TP. Hồ Chí Minh: Hơn 75% hàng hóa trong nước được sử dụng
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP. Hồ Chí Minh, qua 5 năm thực hiện CVĐ, nhìn chung đã có tác động tích cực, lan tỏa trong đời sống xã hội, nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến về hành động, thói quen mua sắm hàng Việt của đa số người tiêu dùng (NTD).
Chất lượng, mẫu mã hàng sản xuất trong nước ngày càng được nâng cao, giá cả phù hợp với thị hiếu của NTD thành phố. Hàng hóa sản xuất trong nước được bày bán tại các siêu thị và các chợ truyền thống ngày một tăng.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc với Saigon Co.op
Theo thống kê tại thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ sử dụng hàng hóa trong nước ở tất cả các ngành đạt trên 75%, hơn 70% NTD ở thành phố sẵn sàng ủng hộ hàng Việt Nam, 80% hàng hóa bày bán ở chợ truyền thống là hàng Việt Nam, tỷ lệ này ở các siêu thị từ 90 – 95%, điểm đặc biệt là chương trình bình ổn thị trường tại TP. Hồ Chí Minh đã huy động được nhiều thành phần kinh tế tham gia, điểm bán hàng tăng lên nhanh chóng, hàng hóa được đưa về khu nông thôn, ngoại thành vùng sâu, vùng xa, đã góp phần hỗ trợ tích cực đưa hàng Việt đến với NTD.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa phát biểu tại buổi làm việc với Saigon Co.op
Theo báo cáo của Liên hiệp HTX Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), năm 2014, đơn vị đã đánh dấu 25 năm trưởng thành – 25 năm đi lên cùng nền kinh tế Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm và phát triển, đến nay, trong lĩnh vực kinh doanh phân phối bán lẻ, Saigon Co.op đã chiếm tỷ trọng hơn 95% doanh số, với mạng lưới gồm 70 siêu thị Co.op mart trải rộng khắp cả nước, 78 cửa hàng thực phẩm Co.op Food, Đại siêu thị Co.op Xtra, TTTM Sense City, kênh mua sắm truyền hình HTV Co.op…
Về giá trị, từ năm 2009 – 2013, doanh số tăng trưởng bình quân mỗi năm 28,1%, giải quyết việc làm cho hơn 14.500 lao động trực tiếp, tạo đầu ra ổn định cho 1.000 doanh nghiệp sản xuất, góp phần hiện đại hóa nông thôn, thay đổi cung cách mua bán, định hướng tiêu dùng và nâng cao chất lượng sống của mỗi hộ gia đình, góp phần bình ổn thị trường.
Điểm nhấn của Saigon Co.op, trong 5 năm qua là về công tác bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn. Để tăng độ phủ của hàng Việt, các siêu thị trong hệ thống đã phối hợp với các đoàn thể, tổ chức mỗi năm trên 1.000 chuyến bán hàng lưu động, với cơ cấu hàng hóa 100% hàng sản xuất trong nước. Tổng doanh thu bán hàng lưu động trong 5 năm qua hơn 200 tỷ đồng.
Đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại Saigon Co.op trên 90% trong cơ cấu hàng hóa. Đặc biệt, trong đó ngành hàng thực phẩm đang kinh doanh gần 10.000 mặt hàng với tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 95%. Doanh thu hàng Việt trong năm 2014 ước tính đạt trên 21.000 tỷ đồng, trong đó, ngành hàng thực phẩm ước đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Năm 2012, công ty Vissan đã đạt tổng doanh thu là 4.391 tỷ đồng, nộp ngân sách 240 tỷ đồng. Năm 2013, tổng doanh thu là 4.695 tỷ đồng, nộp ngân sách 274 tỷ đồng. Riêng 7 tháng đầu năm 2014, hiệu quả kinh doanh trước thuế là 83,6 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch, nộp ngân sách 156,3 tỷ, đạt 61% kế hoạch, thu nhập bình quân công nhân lao động 7,2 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến kết quả thực hiện năm 2014 với tổng doanh thu là 4.890 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.
Ông Văn Đức Mười - TGĐ Vissan báo cáo kết quả thực hiện với Đoàn
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa phát biểu tại buổi làm việc với Công ty Vissan
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp trong thực hiện CVĐ. Chỉ tính riêng trong địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến nay, đã có trên 1.000 doanh nghiệp có sản phẩm, thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, trong đó nhiều thương hiệu Việt liên tục phát triển vững chắc trong nhiều năm qua tại thị trường nội địa và đang chủ động tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu.
Để CVĐ đạt được nhiều kết quả tốt hơn trong thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của NTD, quan trọng là các doanh nghiệp trong nước không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định chất lượng và khơi gợi niềm tự hào yêu nước với hàng hóa Việt.
Chủ tịch cũng lưu ý các doanh nghiệp, cần xây dựng được mạng lưới phân phối sản phẩm đến tận tay NTD, đặc biệt là NTD nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã đánh giá cao những biện pháp sáng tạo của thành phố Hồ Chí Minh, giúp CVĐ đạt được những kết quả tích cực, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong thời gian tới, CVĐ không chỉ là “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mà phải là “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tốt” nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của CVĐ.
Đoàn kiểm tra chụp hình lưu niệm tại Công ty Vissan
Hồng Lực - Hoàng Chương
"Nguồn: Tạp chí Công Thương"
Xem tiếp
- Bò Úc, heo châu Âu và nỗi buồn ngành chăn nuôi trong nước
- Nghiên cứu từ nhu cầu doanh nghiệp
- “Chúng ta không có quyền đòi hỏi sân chơi riêng”
- Tái cấu trúc nguồn nợ cũ
- Tái cấu trúc doanh nghiệp thành công
- FBNC đã có cuộc trao đổi ngắn với đại biểu Văn Đức Mười
- Cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng - Hạ lãi suất, khơi thông dòng vốn
- Cơ hội cho ngành thực phẩm đồ uống
- VISSAN ra mắt sản phẩm thịt bò Úc sạch - an toàn
- VISSAN: Linh hoạt để bình ổn thị trường
- Trung Quốc tin vào chất lượng hàng Việt
- Bài phát biểu của CEO Văn Đức Mười - Vissan nhân ngày thương hiệu VN
- Hiệu quả bình ổn giá
- Dùng dây nilông màu gói bánh có nguy hiểm?
- Sinh viên & những kế hoạch quản trị tương lai